Bộ Môn Quản Lý và Phát Triển Nghề Cá là bộ môn đa ngành và đa lĩnh vực, trong đó có nhiều chuyên ngành chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã ngành được cấp bằng ở cấp độ đại học như Kỹ thuật khai thác thủy sản (52620304), Quản lý nguồn lợi thủy sản (52620305), Kinh tế nông nghiệp (52620115) theo Thông tư số 32/2013/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, Bộ môn phụ trách chương trình đào tạo bậc đại học chuyên ngành Kinh tế và Quản lý nuôi trồng thủy sản và đảm trách các môn học thuộc lĩnh vực kinh tế, quản lý, môi trường cho các chuyên ngành khác. Các sinh viên tốt nghiệp từ chuyên ngành này có nhiều cơ hội kiếm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp do có khả năng thích ứng ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ chuyên ngành hẹp (nuôi trồng, khai thác...) đến chuyên ngành rộng (quản lý, kinh tế...). Với chuyên môn trong khoa học quản lý, kinh tế cũng như các kiến thức tổng hợp về sinh thái, môi trường và kỹ thuật nuôi thủy sản, Bộ môn đóng vai trò tổng hợp, gắn kết cũng như huy động nguồn lực của các bộ môn và các chuyên ngành khác nhau trong khoa và trường để thực hiện các đề tài mang tính ứng dụng và liên ngành. Hàng năm, các giảng viên trong Bộ môn đều có các đề tài NCKH ở tất cả các cấp từ đề tài cấp Bộ, cấp Tỉnh hay cấp Cơ sở và giữ vai trò tích cực ở Khoa Thủy sản trong công tác nghiên cứu khoa học. Các giảng viên trong bộ môn cũng thường xuyên tham gia các dự án quốc tế, các đề án qui hoạch phát triển thủy sản quốc gia và của các địa phương. Với những nỗ lực vược bực và các thành tựu đạt được, Bộ môn liên tục đạt được danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến nhiều năm liền...
Trong các năm tới, Bộ môn sẽ phối hợp với các bộ môn khác mở thêm ngành “Quản lý nguồn lợi Thủy sản” với mã ngành 52620305 áp dụng cho hệ đào tạo Đại học theo Thông tư số 32/2013/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ môn cũng sẽ phối hợp mở chuyên ngành “Quản lý nguồn lợi thủy sản” với mã ngành 60620305 áp dụng cho hệ đào tạo thạc sĩ theo Thông tư số 33/2013/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình đào tạo ngành Quản lý nguồn lợi thủy sản cung cấp cho sinh viên môi trường và những hoạt động giáo dục nhằm hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức; có đủ kiến thức, kỹ năng làm việc tập thể và sức khỏe tốt để đạt được thành công về nghề nghiệp trong lĩnh vực quản lý và phát triển ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong nghiên cứu khoa học, bộ môn định hướng các nghiên cứu liên quan đến ba lĩnh vực chính: (1) Quản lý và phát triển bền vững các hệ sinh thái thủy vực thủy sản, đặc biệt là hệ sinh thái thủy vực đô thị và ven biển (2) Phát triển và tiêu chuẩn hóa các hoạt động sản xuất thủy sản (Nuôi trồng, chế biến, dịch vụ, thương mại,…) (3) Nghiên cứu và phát triển thị trường thủy sản (Hành vi tiêu dùng, thương mại thủy sản, biến động giá,...)