Xin mời các bạn thí sinh tìm hiểu các thông tin liên quan về Khoa Thủy sản, về ngành nghề và các chương trình đào tạo cũng như cơ hội việc làm và triển vọng của ngành thủy sản trong tương lai... Chúng tôi xin chào đón các bạn...
Giới thiệu về Khoa Thủy sản
Khoa thủy sản, được thành lập chính thức năm 1974, là một trong những khoa truyền thống của trường Đại học Nông Lâm TP.HCM và là một trong những trung tâm hàng đầu cả nước và khu vực về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy sản.
Hiện tại, Khoa Thủy sản, trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đào tạo trình độ kỹ sư với 2 ngành là Chế biến Thủy sản (chuyên ngành Chế biến Thủy sản) và Nuôi trồng Thủy sản (gồm 3 chuyên ngành là Nuôi trồng Thủy sản, Bệnh học Thủy sản và Kinh tế, Quản lý nuôi trồng thủy sản). Ngoài ra, Khoa cũng đào tạo chuyên sâu bậc Sau đại học (Thạc sĩ và Tiến sĩ) chuyên ngành NTTS. Tổng số lượng sinh viên và học viên của Khoa hiện tại là khoảng 1200.
Giới thiệu về các ngành/chuyên ngành đào tạo của Khoa:
Chuyên ngành CBTS: chương trình đào tạo chuyên ngành CBTS nhằm đào tạo kỹ sư chế biến thủy sản, có kiến thức và kỹ năng về bảo quản và chế biến sản phẩm thủy sản, có khả năng ứng dụng công nghệ, sử dụng thiết bị và tổ chức sản xuất trong lĩnh vực chế biến sản phẩm thủy sản tạo được các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Có khả năng mô tả và ứng dụng các công nghệ bảo quản và chế biến sản phẩm thủy sản;
- Có khả năng thiết kế, tổ chức và quản lý các quá trình công nghệ sản xuất ra các sản phẩm thủy sản, quản lý chất lượng các sản phẩm thủy sản và bảo vệ môi trường;
- Có khả năng tham gia nghiên cứu cải tiến và phát triển công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước và nước ngoài.
- Ngành Nuôi trồng Thủy sản: hiện nay ngành NTTS của Khoa Thủy sản đào tạo 3 chuyên ngành là Nuôi trồng Thủy sản, Ngư y (Bệnh học Thủy sản), và Kinh tế - Quản lý Nuôi trồng Thủy sản với các môn xét tuyển là Toán, Lý, Hóa hoặc Toán, Hóa, Sinh.
2.1.Chuyên ngành NTTS: chương trình đào tạo kỹ sư nuôi trồng thủy sản, có kiến thức và kỹ năng thực hành và vận dụng vào thực tiễn các lĩnh vực về nuôi trồng thủy sản, chế biến, bảo vệ nguồn lợi thủy sản có khả năng ứng dụng công nghệ, sử dụng thiết bị và tổ chức sản xuất trong nuôi trồng thủy sản theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững.
Sau khi hoàn tất chương trình học, sinh viên sẽ:
- Có khả năng mô tả và ứng dụng các công nghệ nuôi trồng thủy sản;
- Có khả năng thiết kế, tổ chức và quản lý các hoạt động nuôi trồng thủy sản, quản lý chất lượng các sản phẩm thủy sản và bảo vệ môi trường;
- Có khả năng tham gia nghiên cứu và cải tiến công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước và nước ngoài;
Cơ hội nghề nghiệp: làm việc tại các cơ sở NTTS, sản xuất, dịch vụ giống và thức ăn NTTS, tư vấn chuyển giao công nghệ NTTS, các cơ quan khuyến ngư, quản lý nguồn lợi, các cơ quan quản lý nhà nước về nuôi trồng-chế biến thủy sản, các cơ sở nghiên cứu (Viện, trung tâm…) trong lĩnh vực thủy sản, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo (trường TCCN, Cao Đẳng, Đại học …).
2.2.Chuyên ngành Ngư y (Bệnh học Thủy sản): Chương trình này nhằm đào tạo kỹ sư bệnh học thủy sản, có kiến thức cơ bản về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và kỹ năng chuyên sâu về bệnh học thủy sản, có khả năng ứng dụng công nghệ, sử dụng thiết bị và tổ chức hoạt động trong giám sát dịch bệnh, quản lý sức khỏe các đối tượng nuôi thủy sản theo hướng an toàn thú y thủy sản.
Sau khi hoàn tất chương trình học, sinh viên sẽ:
- Có khả năng mô tả và ứng dụng các công nghệ trong chẩn đoán bệnh học thủy sản;
- Có khả năng thiết kế, tổ chức, tư vấn và quản lý các hoạt động phòng ngừa, giám sát dịch bệnh thủy sản, quản lý chất lượng các sản phẩm theo hướng an toàn thú y thủy sản và bảo vệ môi trường;
- Có khả năng tham gia nghiên cứu và cải tiến công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm sạch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và nước ngoài.
Cơ hội nghề nghiệp: làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh NTTS, công ty dịch vụ, kinh doanh thuốc thú y thủy sản, các cơ quan nghiên cứu và chuyển giao công nghệ bệnh học và NTTS, các cơ quan quản lý nhà nước: trung tâm khuyến ngư, chi cục, cục về nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi …
2.3.Chuyên ngành Kinh tế - Quản lý Nuôi trồng Thủy sản: Chương trình này nhằm đào tạo kỹ sư nuôi trồng thủy sản chuyên ngành kinh tế và quản lý thủy sản, có kiến thức cơ bản về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về kinh tế và quản lý thủy sản, có khả năng ứng dụng các lý thuyết và công cụ phân tích kinh tế vào tổ chức quản lý sản xuất và kinh doanh thủy sản theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế.
- Có khả năng thiết kế, tổ chức và quản lý các hoạt động nuôi trồng thủy sản, tư vấn kỹ thuật về hoạch định phát triển NTTS bền vững;
- Có khả năng phân tích và giải thích các vấn đề kinh tế xảy ra trong thực tiễn sản xuất và kinh doanh thủy sản; ứng dụng các lý thuyết và công cụ phân tích kinh tế vào tổ chức, quản lý sản xuất và kinh doanh thủy sản
- Có khả năng quản trị doanh nghiệp và trang trại thủy sản, tham gia nghiên cứu về kinh tế và quản lý thủy sản;
Cơ hội nghề nghiệp: làm việc tại các cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản; cơ sở sản xuất, dịch vụ giống và thức ăn NTTS, công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ NTTS, quản lý doanh nghiệp thủy sản, lập dự án đầu tư và marketing trong NTTS, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản.
- Có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp: công việc trong ngành thủy sản liên quan nhiều đến chi phí đầu tư cao và vấn đề an toàn sức khỏe người tiêu dùng, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, do đó, người học cần có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp để tránh gây những thiệt hại lớn về kinh tế và nguy hiểm sức khỏe người tiêu dùng.
- Yêu nghề, chịu khó, trung thành: công việc trong ngành thủy sản thường nặng nhọc, nguy hiểm, tốn kém nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để huấn luyện người làm đáp ứng đủ yêu cầu nên tính chịu khó, yêu nghề và trung thành rất được chủ doanh nghiệp quan tâm.
- Năng động, sáng tạo, đam mê tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề mới: đây là những yêu cầu mà tất cả người sử dụng lao động trong mọi ngành nghề đều đòi hỏi ở người làm, những yêu cầu này còn giúp cho người làm ngày càng nâng cao về khả năng chuyên môn, hướng đến những thành công chắc chắn trong tương lai.
- Có khả năng làm việc nhóm, hợp tác với đồng nghiệp: các chủ doanh nghiệp đều mong muốn doanh nghiệp là một khối thống nhất, giúp phát huy tất cả những ưu điểm của từng cá nhân, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, và điều này chỉ đạt được nếu các cá nhân hợp tác, cùng hướng đến mục tiêu chung.
- Có khả năng giao tiếp tốt: công việc trong ngành thủy sản đòi hỏi người làm thường xuyên tiếp xúc với đối tác, tư vấn hỗ trợ người nuôi, giao tiếp với đồng nghiệp, học hỏi từ những người đi trước … nên khả năng giao tiếp giúp ích rất nhiều cho thành công của mỗi cá nhân.
Cơ hội học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ kinh phí và việc làm của sinh viên tốt nghiệp
Học bổng, chế độ miễn giảm học phí:
- Sinh viên học các chuyên ngành thuộc khoa thủy sản sẽ được hưởng các chế độ chính sách (vay vốn tín dụng), học bổng (khuyến khích học tập, chính sách, ưu đãi), miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí (dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo), đúng theo quy định của nhà nước.
- Ngoài ra hàng năm sinh viên còn được nhận học bổng (20-50 học bổng: học bổng xuất sắc và khuyến học) từ quỹ học bổng do Cựu giảng viên-Cựu sinh viên và các Doanh nghiệp đối tác của Khoa Thủy sản trao tặng vào ngày truyền thống 20/11 hàng năm. Số lượng và giá trị của các học bổng khá cao là nguồn hỗ trợ, động viên to lớn cho SV của Khoa.
- Sinh viên cũng có cơ hội nhận học bổng do các công ty đối tác của Trường, Khoa hỗ trợ SV nghèo, hiếu học.
- Sinh viên cũng có cơ hội nhận học bổng của cá tổ chức thiện nguyện, các cá nhân hỗ trợ SV Khoa.
Đặc thù của Khoa Thủy sản, trường Đại học Nông Lâm TP.HCM là có quan hệ rất rộng và chặt chẽ với các cơ quan nhà nước (Sở, Ban ngành, Chi cục …), doanh nghiệp nhà nước, tư nhân trong và ngoài nước, các Viện Trường trong cả nước, do đó tỷ lệ sinh viên Khoa khi tốt nghiệp có việc làm là rất cao với mức lương khá tốt so với mặt bằng chung xã hội. Không những vậy, các đối tác của Khoa còn có rất nhiều hỗ trợ để nâng cao kiến thức thực tế, kỹ năng thực hành thực tập của sinh viên trong Khoa thông qua việc hỗ trợ thực tập, thực tập giáo trình cho sinh viên năm 3 của Khoa cũng như hỗ trợ sinh viên năm cuối làm đề tài tốt nghiệp.
- Sinh viên khi thực tập giáo trình (chuyên ngành) năm thứ Ba còn được một số công ty là đối tác lâu năm của Khoa hỗ trợ chi phí ăn, ở và trả lương.
- Sinh viên năm cuối còn được các công ty đối tác hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thực hiện đề tài tốt nghiệp.
- Rất nhiều công ty, Viện Trường, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản là đối tác lâu năm của Khoa luôn hỗ trợ việc làm thông qua các hoạt động tuyển dụng trực tiếp cho SV tốt nghiệp của Khoa
- Hiện tại, hầu như tất cả sinh viên tốt nghiệp của Khoa đều tìm được việc làm với thu nhập tối thiểu (lương thử việc) >= 5.000.000 đồng/tháng. Mức lương thực tế sau thử việc thường phụ thuộc vào khả năng của ứng viên theo đánh giá nhà tuyển dụng nhưng khá cao so với mặt bằng chung cả nước.
Số lần xem trang: 2453