Song song với công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Bộ môn cũng rất chú trọng công tác hợp tác với địa phương và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phối hợp công tác đào tạo thực hành thực tập cho sinh viên.
Về công tác giảng dạy, từ 1979– 1989, nhân sự Bộ môn có nhiều biến động do một số giảng viên chuyển công tác (thầy Nguyễn Tường Anh, thầy Nguyễn Hữu Thanh, thầy Nguyễn Văn Xuân, thầy Nguyễn Trí Hùng, thầy Ngô Văn Hải…) và một số giảng viên đi học nên một số môn học phải thỉnh giảng giảng viên từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM và Khoa Thủy Sản - Đại học Cần Thơ. Hầu như giảng viên của Bộ môn lúc này chỉ có trình độ đại học. Sau năm 1989, các giảng viên lần lượt được cử đi đào tạo sau đại học trong và ngoài nước. Từ 1990 một số giảng viên tốt nghiệp thạc sĩ về nước. Năm 1998, thầy Lê Thanh Hùng tốt nghiệp tiến sĩ từ Pháp trở về nước và đảm nhiệm chức vụ Trưởng Bộ môn đến năm 2012. Hiện nay nhân sự của Bộ môn có 8 người trong đó gồm 1 Phó Giáo sư Tiến sĩ, 3 Tiến sĩ, 3 Thạc sĩ.
Về nghiên cứu khoa học, từ những năm 1977 đến nay, các giảng viên của Bộ môn đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu cấp trường, cấp bộ liên quan đến nội dung giảng dạy của mình như: Đặc điểm sinh học và sinh sản nhân tạo cá tra của Trần Thanh Xuân, Nguyễn Tường Anh và Trần Minh Anh (1978 – 1980); Đặc điểm sinh học và sinh sản nhân tạo cá trê phi và cá trê lai của Nguyễn Hữu Thanh, Ngô Văn Hải và Nguyễn Văn Tư (1980 – 1982); ‘Xây dựng quy trình sản xuất giống rô phi toàn đực’ của nhóm nghiên cứu Nguyễn Văn Tư và Trịnh Trường Giang (1995 – 1996); ‘Nghiên cứu đặc điểm sinh học và nuôi trùn chỉ (Tubifex tubifex)’ của Đinh Thế Nhân (1998-1999); ‘Sản xuất giống ếch Thái Lan’ của nhóm nghiên cứu Lê Thanh Hùng, Nguyễn Thị Thanh Trúc và Trần Văn Minh (2000 -2002); ‘Sản xuất giống cá thác lác, cá lăng, cá chạch lấu’ của nhóm nghiên cứu Ngô Văn Ngọc, Lê Thị Bình, Văn Hữu Nhật, Võ Thanh Liêm và Ngô Đăng Lâm (1998 - 2010); ‘Ương nuôi cá bống tượng’ của nhóm nghiên cứu Nguyễn Phú Hòa, Phạm Văn Nhỏ, Ong Mộc Quý và Nguyễn Phúc Thưởng (2006 – 2012); “Qui trình nuôi cá lăng nha thương phẩm trong bè tại An Giang” của nhóm nghiên cứu Ngô Văn Ngọc, Lê Thị Bình, Nguyễn Như Trí và Võ Thanh Liêm (2008 – 2010); ‘Đặc điểm sinh học và sinh sản nhân tạo cá trê Phú Quốc’ của nhóm nghiên cứu Nguyễn Văn Tư, Lê Thanh Hùng và Trần Văn Minh (2010 – 2011); ‘Thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng Liptopeneaus vannamei bằng công nghệ biofloc’ của nhóm Đinh Thế Nhân và Nguyễn Phúc Cẩm Tú (2016-2017); ‘Nghiên cứu chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản không hiệu quả sang nuôi cá chẽm (Lates calcarifer) tại khu vực nước lợ Long Thành, Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai’ của Đinh Thế Nhân (2016-2018); ‘Động thái vật chất hữu cơ và dinh dưỡng trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei (Boone, 1931)’ của Đinh Thế Nhân và Nguyễn Phúc Cẩm Tú (2017-2018); Dự án quốc tế ‘Đẩy mạnh sự đóng góp nhiều bên cho Hợp tác quốc tế về các giải pháp bền vững cho phát triển nuôi trồng thủy sản ở Đông Nam Á (EURASTIP)’ của Đinh Thế Nhân (Điều phối viên- 2017-2019); ‘Nghiên cứu tối ưu qui trình vận chuyển hở cá chẽm giống phục vụ trong nuôi thương phẩm’ của Đinh Thế Nhân (2021-2022).
Công tác biên soạn giáo trình để phục vụ việc học tập cho sinh viên cũng được Bộ môn chú trọng từ rất sớm, nhiều môn học có bài giảng đươc in như Bệnh Cá (Nguyễn Lan Phương, 1978), Kỹ thuật nuôi thủy sản nước lợ (Nguyễn Văn Trai, 1998). Kỹ thuật nuôi nhuyễn thể (Nguyễn Như Trí, 1998). Ngoài ra, có một số giáo trình được xuất bản như Anh văn chuyên ngành thủy sản (Lê Thanh Hùng; NXB Cần Thơ, 2004), Dinh dưỡng cá tôm (Lê Thanh Hùng; NXB Nông Nghiệp, 2006), Thủy sản đại cương (Đinh Thế Nhân và Nguyễn Văn Tư, 2022).
Số lần xem trang: 2561