Khi mới thành lập (1974-1975) do nhân sự còn ít Khoa Thủy sản chưa có các bộ môn độc lập. Năm 1976-1977 trên cơ sở nguồn cán bộ được tăng cường Khoa Thủy sản thành lập 3 bộ môn: Bộ môn Cơ sở, Bộ môn Kỹ thuật nuôi cá và Bộ môn Khai thác-Chế biến. Tiền thân Bộ môn Chế biến thủy sản chính là Bộ môn Khai thác-Chế Biến trước đây (năm 2001 đổi tên thành Bộ môn Chế biến thủy sản). Về nhân sự, khi mới thành lập bộ môn chỉ có 3 giảng viên và 1 nhân viên (trong đó có 1 thạc sĩ từ Nhật về). Năm 1977- 1979, bộ môn được tăng cường thêm 2 giảng viên và luôn duy trì nhân sự bộ môn thường xuyên từ 5-8 người. Hiện nay nhân sự của bộ môn có 6 người: 5 giảng viên, 100% có trình độ trên đại học (trong đó có 2 tiến sĩ và 1 giảng viên đang học tiến sĩ ở Bỉ) và 1 kỹ thuật viên (Th.s).
Về công tác đào tạo, từ 1976-2000 bộ môn quản lý các môn học: Vi sinh đại cương, Chế biến TS, Khai thác TS, Ngư cụ… và thực tập giáo trình Khai thác-Chế biến. Từ năm 2001, Khoa Thủy sản được phép đào tạo ngành Chế biến thủy sản, Bộ môn Chế biến thủy sản quản lý và giảng dạy các môn học theo 2 hướng chính: i/ nghiên cứu và phát triển sản phẩm thủy sản; và ii/ vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản cho sinh viên của cả 4 chuyên ngành. Trong thời gian 1974-1984, sinh viên thực tập giáo trình khai thác chế biến thường đi đến các cơ sở chế biến nước mắm, khô ở Kiên Giang và đi Vũng Tàu, Cần Giờ kiến tập nuôi và đánh bắt thủy sản. Sau 1990 các cơ sở chế biến thủy sản phát triển nhiều, sinh viên được thực tập tại các công ty, xí nghiệp chế biến thủy sản tại Tp.HCM, Vũng Tàu, Nha Trang. Bắt đầu từ năm 2008, bộ môn đã mở rộng khu vực thực tập xuống các nhà máy chế biến tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm nắm vững các quy trình khép kín từ ao nuôi đến nhà máy chế biến. 

Số lần xem trang: 2189